Cách nối chữ, quy tắc nối chữ khi viết chữ đẹp KHÔNG ai chỉ

Xin chào Bạn! lâu rồi chú Cường mãi mê làm video hướng dẫn mà không có viết Blog đăng bài chia sẻ trên trang web luyenchudep.vn của mình, ngày hôm nay mình thấy có nhiều Bạn hỏi về chủ đề: cách nối chữ – mặc dù mình thường khuyên các Bạn không nên quan tâm về các tỉ lệ khi nối chữ nhưng nay mình đã quay trở lại blog để viết bài hướng dẫn chuyên sâu chi tiết về cách nối chữ này biết đâu đó giúp ích được cho các Bạn trong quá trình tìm hiểu luyện chữ đep.

Nối chữ: là nối các chữ cái lại với nhau thành 1 từ và nối các từ lại với nhau thành 1 đoạn hay 1 câu, nhiều hơn là thành 1 bài văn, bài thơ.

Khi nối chữ chúng ta sẽ có những nguyên tắc giúp cho người viết có thể cân chỉnh các con chữ sao đẹp tương đối hơn, đẹp hơn, tránh tình trạng dính chữ hoặc thưa chữ.

Cách nối chữ từ chữ thường sang chữ thường

Các thứ tự nguyên tắc Chú Cường chia sẻ bên dưới đều là ngẫu nhiên các Bạn có thể thay đổi tuỳ theo cách ghi nhớ và giảng dạy của các Bạn và mình chia sẻ dựa trên cỡ chữ 1 ô li nếu các Bạn đang tìm hiểu về cỡ chữ nhỡ (tiền tiểu học thì các Bạn nhân đôi tỉ lệ lên nhé)

Khoảng cách khi viết 2 từ gần nhau

Nguyên tắc nối chữ 01: khoảng cách giữa 2 từ là ¾ ô li, được tính từ điểm dừng của chữ trước và điểm bắt đầu của chữ sau. Nói cho đơn giản và dễ nhớ hơn, khoảng cách giữa 2 từ bằng độ rộng của con chữ o.

Nguyên tắc nối chữ 02: nối chữ thuận lợi

Đây là kiểu nối chữ thường gặp nhất khi chúng ta viết đoạn văn, đoạn thơ khi điểm dừng của con chữ trước lại là điểm bắt đầu của con chữ sau hoặc là chúng ta chỉ cần kéo dài điểm dừng bút của con chữ trước thì có thể bắt đầu điểm đặt bút cho con chữ sau, trong trường hợp này chúng ta sẽ viết 1 cách liên tiếp mà không cần nhấc bút lên, giúp chúng ta tiết kiệm thời gian khi viết chữ. Trong trường hợp này các con chữ như ghép vào nhau mà không phát sinh khoảng cách khoảng cách giữa 2 con chữ (tuỳ trường hợp) các Bạn xem hình bên dưới cho dễ hình dung.

Trong nguyên tắc này chúng ta lại có 6 trường hợp diễn ra:

Cách nối chữ từ nét móc qua nét xiên (nét hất)

Trường hợp 1: nét móc nối qua nét xiên (nét hất)

Cách nối chữ từ nét móc dưới qua nét móc trên

Trường hợp 2: nét móc dưới nối qua nét móc trên

Cách nối nét khuyết sang nét cong

Trường hợp 3: nét khuyết nối qua nét cong (go)

Quy tắc nối từ nét khuyết sang nét khuyết

Trường hợp 4: nét khuyết sang nét khuyết

Cách nối chữ từ nét thắt sang nét khác

Trường hợp 5: nét thắt (chữ v, chữ b) sang nét khác. Ở trường hợp này chúng ta chú ý khoảng cách giữa 2 con chữ sau khi nối với nhau là ¼ ô li (vo, bo)

Cách nối chữ từ nét cong sang nét khác

Trường hợ 6: nét cong sang nét khuyết ( chữ ch) phát sinh khoảng cách nối chữ là ¼ ô li

Nguyên tắc nối chữ 03: nối chữ không thuận lợi

Đây là kiểu nối chữ mà chúng ta cần phải nhấc bút ra, vì điểm dừng bút của con chữ trước không tạo điều kiện để con chữ sau có thể đặt bút, vì vậy chúng ta phải chủ động tạo điểm đặt bút cho con chữ sau.

Quy tắc nối chữ từ nét móc sang nét cong

Trường hợp 1: nối chữ từ nét móc qua nét cong, ở trường hợp này thì khoảng cách giữa 2 nét gần như không phát sinh, do đó khi các Bạn nối chữ, các Bạn không cần canh mà viết giống như lắp ghép các con chữ vào nhau.

Thường nét cong ở phía sau là chữ c hoặc chữ o, thì cách nối chúng ta sẽ kéo dài nét móc đến đường kẻ số 1 để tạo điểm đặt bút hoặc tạo điểm chờ cho chữ c đi qua để ghép vào.

Quy tắc nối chữ từ nét cong kín sang nét cong, nét hất, nét móc

Trường hợp 2: nối chữ từ chữ o qua nét cong (như c, a) hoặc qua nét hất (nét xiên) hoặc qua nét móc. Vì điểm dừng bút và điểm đặt bút không thuận lợi để chúng ta nối chữ liền mạch nên chúng ta phải nhấc bút khi nối chữ, cách nối:

Chúng ta phải viết hoàn tất chữ o sau đó ở góc phần tư bên phải phía trên, chúng ta tạo ra nét móc nối để bắt đầu cho con chữ tiếp theo, hoặc tạo điểm chờ cho chữ c đi qua ghép vào.

Khoảng cách phát sinh khi nối với nét cong như: c, o thường là ¼ ô li.

Cách nối từ chữ hoa sang chữ thường

Nguyên tắc nối chữ 04: khi nối A, M, G, L, H, K, Q, R, U, Y với các chữ thường thì ta áp dụng quy tắc nối chữ thuận lợi giống các nguyên tắc phía trên.

Quy tắc nối chữ từ chữ hoa sang chữ thường

Nguyên tắc nối chữ 05: khi nối B, D, C, E, T, I, O, X

Ở trường hợp này thì Bạn nối chữ giống như ghép chữ

Trường hợp 1: nối với các chữ thường: i, t, u, p, n, m, h thì điểm đặt bút các chữ thường này là chạm vào chữ viết hoa và không phát sinh khoảng cách

Cách nối chữ hoa sang chữ thường ở trường hợp này có khoảng cách 1/4 ô li

Trường hợp 2: nối với: o, a, c, e, r thì chữ thường cách chữ hoa ¼ ô li.

Nguyên tắc nối chữ 06: khi nối N, P, S, V sang chữ thường thì khoảng cách từ chữ hoa sang chữ thường là ½ ô li

Quy tắc nối chữ hoa N P S V sang chữ thường

Nguyên tắc 07: khoảng cách giữa dấu thanh và dấu chữ. Chúng ta giữ được khoảng cách này 1 cách đều độ trong bài văn sẽ làm cho tổng thể trở nên cân bằng hơn.
Đỉnh của dấu thanh và đáy của dấu chữ là nằm trong ½ ô li
Đáy của dấu chữ hoặc dấu thanh và đỉnh của con chữ cách nhau ¼ ô li

Cách đặt dấu thanh và dấu chữ

Nguyên tắc 08 đặt dấu: dấu thanh hoặc dấu chữ được viết 1 cách gọn gàng, nhỏ phía trên con chữ, riêng chữ ơ, ư thì dấu được viết nhỏ gọn nằm trên đường kẻ số 1.

Quy tắc đặt dấu trong luyện chữ đẹp

Trong bài viết này mình đã cố gắng nêu rõ từng trường hợp và có hình ảnh cụ thể để Bạn có thể học cách nối chữ 1 cách chi tiết nhất, trong quá trình viết nếu Bạn cảm thấy không tự tin khi nối bất kì con chữ nào thì hãy liên hệ với Mình, để mình hỗ trợ thêm cho các Bạn, cảm ơn các Bạn rất nhiều, chúc các Bạn thành công trong bộ môn Luyện Chữ Đẹp

Bạn có thể xem thêm nhiều video hướng dẫn khác tại Kênh Youtube Luyện Chữ Đẹp cùng Chú Cường nhé! 

Share this post